Những điều cần biết về tái chế giấy

TÁI CHẾ GIẤY GIÚP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Tái chế giấy cũng có bề dày lịch sử tương đương với giấy: tờ giấy đầu tiên của nhân loại chính là một “sản phẩm tái chế”! Thứ giấy này đã ra đời từ phát minh của ông Thái Luân đời Hán vào năm 105 SCN. Ông đã dùng lưới đánh cá cũ rách, và vỏ cây để làm ra tờ giấy nhẹ hơn nhiều so với các thẻ tre bó lại, và rẻ hơn nhiều so với tơ lụa – nhờ đó giấy mau chóng trở nên phổ thông trong dân chúng, người sáng chế ra nó được nhà vua tặng thưởng.

Các công ty giấy ngày càng nhận thức được lợi ích kinh tế và môi trường của việc tái chế. Tới nay đã có khoảng 87% trong hơn 520 nhà máy giấy và giấy bìa trên thế giới sử dụng giấy phế thải được thu hồi để làm nguyên liệu sản xuất. Ở Mỹ, giấy chiếm đến 2/3 lượng bao bì được thu hồi để tái chế – nhiều hơn tất cả các thứ thủy tinh, nhựa, kim loại gộp lại. Giấy thu hồi cung cấp đến 40% xơ sợi dùng để sản xuất giấy và giấy bìa trên toàn nước Mỹ. Hơn 50% nhu cầu của ngành công nghiệp giấy Mỹ được đáp ứng bởi giấy phế liệu với gần 200 nhà máy chỉ sử dụng duy nhất một nguyên liệu là giấy tái chế. Cho đến đầu thế kỷ 21, công nghiệp giấy thế giới đã đặt ra đích đến là sử dụng giấy thu hồi với lượng tăng nhanh gấp đôi so với sử dụng bột gỗ.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác nhận và ủng hộ ích lợi to lớn của công nghệ tái chế, và ở nhiều quốc gia, chính quyền các cấp cùng các tổ chức, các nhóm hoạt động bảo vệ môi trường… đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách để giúp công nghệ tái chế phát huy tối đa ích lợi của mình. Mỗi khi sử dụng một sản phẩm giấy tái chế, chúng ta có thể khẳng định mình đã làm được một điều tốt đẹp cho môi trường và số lượng người tiêu dùng các sản phẩm tái chế càng tăng cao thì càng đáng khích lệ. Những câu vấn đáp cụ thể dưới đây sẽ giúp ta hiểu rõ hơn vì sao tái chế giấy được chọn là giải pháp đúng đắn cho môi trường.

Tái chế giấy có giúp bảo tồn cây xanh không?

Tái chế giúp giảm được lượng cây phải đốn hạ để làm giấy, giảm được nhu cầu về gỗ nói chung. Nhưng quan trọng hơn cả là tái chế giấy giúp cứu được những cánh rừng. Bằng cách dùng nguyên liệu là giấy đã qua sử dụng thay vì cây rừng, tái chế làm giảm được cường độ của việc quản lý rừng cần phải có để thỏa mãn nhu cầu sản xuất giấy, cũng như giảm được áp lực của việc chuyển đổi những cánh rừng tự nhiên và những khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái như các vùng ngập mặn – thành rừng trồng cây. Tái chế giấy không chỉ làm bớt đi được số cây rừng bị đốn hạ mà ngay cả so với việc sản xuất giấy từ cây trồng trong các vùng nguyên liệu giấy thì tác động môi trường cũng được giảm nhẹ do những phương pháp tiến bộ mà ngành công nghệ này đã và đang sử dụng. Do vậy, tái chế giấy giúp duy trì được một dải giá trị rộng lớn do hệ sinh thái rừng mang lại cho hành tinh, bao gồm nước sạch, các quần thể sinh vật hoang dã và tính đa dạng sinh học.

Một điều cần được nhấn mạnh nữa là việc trồng cây gây rừng không hoàn toàn giống với bảo vệ rừng. Nhu cầu trồng rừng để làm giấy đã thúc đẩy tốc độ chuyển đổi rừng tự nhiên thành rừng trồng cây nguyên liệu. Thế nhưng nỗ lực trồng rừng để lấy gỗ dùng vào sản xuất giấy – bao gồm cả gỗ làm củi đốt và gỗ để lấy xơ sợi – sẽ gây nên những xáo trộn cho nguồn nước, cho tính đa dạng sinh học, cho các quần thể động thực vật tự nhiên và cho tính nhất quán của hệ sinh thái rừng. Rõ ràng là dù cho có giải quyết được tốt nhu cầu về gỗ chăng nữa thì việc trồng rừng cũng không thể sánh được với rừng tự nhiên. Việc trồng và thu hoạch cây xanh cũng làm suy cạn một nguồn tài nguyên không thể tái tạo – đó là rừng tự nhiên. Do vậy dù cho có lập luận được là mình giúp tái tạo số lượng gỗ dùng cho sản xuất giấy thì việc trồng rừng làm nguyên liệu giấy cũng không thể nào phục hồi được nhiều giá trị sinh thái của rừng tự nhiên. Bằng cách mở rộng nguồn xơ sợi để sản xuất giấy, công nghệ tái chế có thể làm giảm được sức ép phải chuyển đổi những cánh rừng tự nhiên còn lại của nhân loại thành rừng trồng cây thương phẩm.

Có phải cây mới trồng hấp thu nhiều carbon hơn cây lâu năm?

Nếu quan tâm tới việc thay đổi khí hậu, chúng ta sẽ phải chọn cây lâu năm hơn là cây mới trồng. Trong khi cây mới trồng có thể hấp thu carbon rất nhanh thì cây lâu năm lại lưu giữ được nhiều carbon hơn vì vậy giúp làm giảm được sự tích tụ các loại khí gây nên hiệu ứng nhà kính trong không khí. Hơn nữa, mỗi lần bị đốn hạ để làm giấy, cây xanh sẽ phóng thích ra nhiều carbon mà chúng đã lưu giữ. Bằng cách làm giảm nhu cầu về nguyên liệu xơ sợi lấy từ cây rừng, tái chế giấy có thể làm giảm tần suất đốn hạ cây xanh và làm gia tăng tổng lượng carbon lưu trữ trong các cánh rừng; đồng thời cũng giúp lưu giữ lại lượng carbon trong giấy khi tái sử dụng chúng nhiều lần thay vì đưa đi chôn lấp làm sinh ra khí methane CH4 – một trong những loại khí nhà kính.

Nói chung làm ra giấy từ giấy đã sử dụng là một quá trình “sạch” hơn và hiệu quả hơn làm ra giấy từ cây, vì đa phần các công đoạn phân tách và tẩy trắng đã được thực hiện rồi. Như vậy cũng có nghĩa là việc sản xuất này sẽ sử dụng ít năng lượng, ít hóa chất và nước sạch hơn, cũng như xả ra môi trường ít nước thải và khí thải độc hại hơn.

Chuyển sang sản xuất giấy bằng công nghệ tái chế làm giảm thiểu việc phóng thích khí nhà kính như thế nào?

Những ích lợi cho môi trường của công nghệ tái chế là rất rõ ngay cả khi nó sử dụng năng lượng hóa thạch. Ở các bãi chôn lấp rác, nơi tận cùng của 80% lượng giấy thải của nhân loại, việc phân hủy chúng sẽ sản sinh ra khí methane CH4 là loại khí có khả năng bẫy nhiệt 21 lần nhiều hơn so với carbon dioxide CO2. Tái chế giấy giúp giảm được lượng giấy tham gia vào dòng rác thải, trực tiếp giảm được lượng giấy phải đưa đi chôn lấp. Do vậy bất kỳ sự gia tăng lượng khí nhà kính nào xảy ra trong quá trình sản xuất giấy tái chế vẫn có thể bù trừ được bằng lượng khí nhà kính mà nó đã làm giảm đi ngay tại các bãi chôn rác.

Chuyển sang sản xuất giấy bằng cách tái chế còn giúp giảm được những tác động môi trường nào khác?

Bên cạnh việc sử dụng ít năng lượng hơn và thải ra ít khí nhà kính hơn, tái chế giấy còn làm giảm được ô nhiễm không khí do nitrogen oxide (gây ra khói mù) và hàm lượng bụi (gây ra các vấn đề về đường hô hấp). Nó cũng làm giảm được khối lượng và làm gia tăng chất lượng của nước thải ra từ nhà máy giấy.

Tại sao phải quan tâm tới nước thải ra từ nhà máy?

Các thông số đo đạc về nước thải rất có ý nghĩa đối với môi trường, vì nó thể hiện trước hết là lượng nước sạch đã được dùng cho sản xuất, và kế đến là các tác động môi trường do việc thải nước gây ra. Lượng nước to lớn con người lấy đi và thải trở lại sông suối đã gây nên nhiều tác động sinh thái nghiêm trọng, và diễn biến càng xấu đi ngay cả trong các mùa khô ráo hay trong lúc hạn hán. Thậm chí nước đã được xử lý cũng vẫn còn chứa đựng những yếu tố ô nhiễm liên quan tới quá trình sản xuất, chế biến. Các nghiên cứu so sánh trên từng phương diện đã cho thấy nhìn chung thì sản xuất giấy nguyên thủy phải dùng nhiều nước sạch hơn và lượng nước thải cũng cao hơn và gây ô nhiễm nặng nề hơn so với tái chế giấy.

Thế còn bùn công nghiệp của các nhà máy giấy tái chế?

Quả thực là so với sản xuất giấy nguyên thủy thì các nhà máy tái chế giấy thải ra nhiều chất thải rắn hơn, chủ yếu là dưới dạng bùn công nghiệp. Tuy nhiên sự vượt trội này có thể được cân bằng đáng kể nhờ việc nó đã làm giảm được lượng chất thải rắn tham gia vào dòng rác thải. Tương tự như vậy là khối lượng mực, các chất phủ mặt cùng các chất độn tồn tại trong bùn công nghiệp đi ra từ nhà máy tái chế giấy ắt hẳn đã đi thẳng vào lòng đất nếu như giấy bị mang ra bãi chôn lấp thay vì được đem đi tái chế. Lập luận sau cùng là, các nhà tái chế đã và đang nỗ lực tìm kiếm những phương cách tốt nhất để tận dụng những thành phần có trong bùn thải do tái chế giấy, hoặc tái sử dụng chúng một lần nữa qua các hợp đồng cung cấp chất độn cho lò nung clinker của các nhà máy sản xuất xi măng chẳng hạn. Điều này chắc chắn không thể thực hiện được nếu như giấy đã bị chở thẳng tới bãi rác hay tới lò đốt rác.

Chúng ta không có đủ chỗ chôn rác hay sao mà phải tái chế giấy?

Những ích lợi môi trường của tái chế còn mở rộng ra cho cả việc tiết kiệm chỗ chôn rác vốn đã và đang là vấn nạn ở nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh việc giúp giảm thiểu các tác động môi trường “cao độ” trong các cánh rừng và nơi nhà máy, thì tái chế giấy – với nguồn cung cấp nguyên liệu lúc nào cũng có sẵn là xơ sợi tái chế – đã giúp bảo tồn được gỗ rừng cùng những tài nguyên khác của rừng, làm giảm được nhiều tác động môi trường đáng quan ngại (sử dụng năng lượng, ô nhiễm môi trường khí và nước, xử lý chất thải rắn) và còn góp phần làm giảm lượng rác đi vào các bãi chôn lấp. Như vậy tái chế giấy giúp giảm được việc phóng thích khí methane cùng nhiều tác nhân ô nhiễm khác, cũng như giúp giảm bớt áp lực tìm kiếm các bãi chôn lấp mới – là nơi mà quá trình phóng thích khí độc lại diễn ra.

Cứ mỗi lần giấy được tách ra khỏi dòng rác thải để đem đi tái chế thì đã có một lượng chất thải rắn được giảm đi một cách trực tiếp. Hãy thử nghĩ xem – nếu ta viết lên một mảnh giấy, sau đó gôm (tẩy) đi rồi dùng lại trước khi vứt bỏ nó thì rõ ràng ta đã làm giảm được lượng rác thải đi phân nửa so với khi dùng hai tờ giấy và đem bỏ cả hai. Thế thì, cũng tương tự như vậy, với một tờ giấy tái chế ngay cả đến khi ra bãi rác thì việc tái chế nó cũng vẫn làm giảm được tổng lượng rác phải đem chôn.

Tại sao quá trình phóng thích khí methane nơi các bãi chôn rác lại là yếu tố tác động môi trường đáng quan ngại?

Methane CH4 có khả năng bẫy nhiệt cao gấp 21 lần so với khí carbon dioxide CO2 nên cũng được coi là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính và là một trong những thủ phạm của hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu. Cục Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency EPA) của Mỹ đã định vị được các bãi chôn rác chính là nguồn phóng thích methane vào không khí, đồng thời cũng đã xác định rằng chính việc phân hủy giấy nơi các bãi rác này là nguồn cung cấp khí methane đáng kể nhất.

GIẤY ĐƯỢC TÁI CHẾ NHƯ THẾ NÀO?

Hình thành từ nhà máy tái chế giấy đầu tiên ở Philadelphia (Mỹ) vào năm 1690, đến nay công nghệ tái chế giấy vẫn đang tăng trưởng bền vững và còn tiếp tục mở rộng. Nhiều loại giấy cung cấp cho công nghiệp bao bì, giấy vệ sinh, giấy báo… được làm hoàn toàn hay một phần từ nguyên liệu giấy thu hồi. Nền công nghiệp thu hồi tổ chức thu gom giấy thải, lọc lựa và phân loại thành những loại khác nhau; rồi đóng kiện, ép lại thành những khối vuông lớn (ép bành) để dễ vận chuyển và lưu kho, để rồi sau đó những bành giấy thu hồi này sẽ tham gia vào quy trình tái sinh xơ sợi, giúp con người giải quyết được bài toán cân đối giữa nhu cầu sử dụng giấy đang ngày càng tăng với áp lực bảo vệ môi trường.

    1. Tuyển lựa

Để tái chế giấy thành công thì giấy thu hồi phải sạch và được phân loại theo những loại riêng biệt. Giấy dùng làm nguyên liệu không được lẫn tạp chất và chất bẩn, như thức ăn thừa, nhựa, kim loại, và nhiều thứ khác… vì chúng gây khó khăn cho việc tái chế giấy. Giấy lẫn quá nhiều chất bẩn, tạp chất không thể tái chế được thì phải đem chế biến thành phân bón, hoặc đốt để tận thu nhiệt lượng, hay đem chôn.

Tuyển lựa giấy thải bằng thiết bị xoay tròn

2. Thu gom và chuyên chở

Giấy thải được thu gom và đóng thành từng bành, lèn chặt và được chở tới nhà máy giấy – nơi nó sẽ được tái chế thành một loại giấy mới.

3. Lưu kho

Những chủng loại giấy thải khác nhau – như giấy báo và giấy thùng carton cũ – sẽ được chứa trong những kho riêng, vì các nhà máy giấy sử dụng những loại giấy thu hồi khác nhau để sản xuất ra các loại giấy tái chế khác nhau. Khi nhà máy cần đến, công nhân sẽ dùng xe nâng để đưa giấy thu hồi từ kho bãi đến nhập vào băng chuyền.

4. Tái tạo bột giấy và sàng

Giấy được băng chuyền đưa tới một bể chứa lớn gọi là bể đánh bột, có chứa nước và hóa chất. Bể đánh bột sẽ cắt giấy thu hồi thành những mảnh nhỏ. Việc đun nóng hỗn hợp sẽ khiến giấy mau chóng bị cắt nát thành những sợi cellulose (thành phần chính cấu thành thực vật) gọi là xơ sợi. Giấy cũ được thu hồi sẽ bị đánh tơi, trở thành một hỗn hợp quánh dẻo gọi là bột. Bột được đẩy tới những chiếc sàng có những lỗ và rãnh đủ hình dạng và kích thước; ở đó những mẩu tạp chất nhỏ như nylon hay băng keo sẽ bị giữ lại. Quá trình này được gọi là sàng.

    5. Tẩy sạch

Bột sẽ được làm sạch trong những ống hình nón nhờ chuyển động lắc, qua đó các tạp chất nặng như kim kẹp, đinh ghim… sẽ bị đánh văng khỏi nón và rơi xuống đáy ống. Tạp chất nhẹ bị gom vào giữa nón và sẽ được loại ra. Quá trình này có tên là nghiền.

    6. Tẩy mực

Có khi bột phải trải qua một quá trình “giặt giũ” có tên là tẩy mực để loại bỏ chất mực in và băng dính (gồm các loại keo dán và băng keo). Người làm giấy thường kết hợp hai quá trình tẩy mực gọi là xả nước trong đó những phần tử mực in nhỏ sẽ được xả bỏ đi theo nước và tuyển nổi để loại những phần tử lớn hơn và băng dính các thứ ra cùng với các bong bóng khí. Trong quá trình tẩy mực tuyển nổi, bột được trữ trong những bồn lớn gọi là hệ tuyển nổi, ở đó không khí và những hóa chất giống như xà bông gọi là chất hoạt động bề mặt được sục vào trong bột. Chất hoạt động bề mặt sẽ tách mực in và băng dính ra khỏi bột, đẩy chúng lên bề mặt hỗn hợp nhờ các bọt khí. Những bong bóng khí chứa mực in tạo thành lớp bọt tăm sủi bên trên và sẽ được loại đi, để lại một lượng bột “sạch sẽ” bên dưới.

    7. Nghiền, tẩy màu và làm trắng

Trong quá trình nghiền, bột sẽ được nhồi đập để làm cho xơ sợi được bong lên, trở nên lý tưởng cho việc xeo giấy. Nếu trong bột có nhiều bó xơ sợi lớn, quá trình nghiền sẽ phân tách chúng để cho tơi và rời ra. Nếu trong giấy loại có màu thì hóa chất tẩy màu sẽ giúp loại bỏ chúng. Sau đó, nếu cần sản xuất giấy trắng thì bột sẽ phải được tẩy trắng với hydrogen peroxide, chlorine dioxide hay oxygen để trở nên trắng và sáng hơn. Nếu sản xuất loại giấy màu nâu để dùng trong công nghiệp (như giấy carton làm thùng) thì không cần công đoạn tẩy trắng này.

    8. Xeo giấy

Đến đây thì ta đã có được loại bột sẵn sàng cho quá trình xeo giấy. Loại xơ sợi đã qua tái chế có thể được sử dụng riêng mình nó, hoặc được trộn chung với những xơ sợi từ gỗ (gọi là xơ sợi nguyên sinh) để tăng độ mịn hoặc độ bền chắc. Bột được đem trộn với nước và hóa chất để đạt tới hỗn hợp 99,5% nước. Hỗn hợp bột nước này đi vào một thùng kim loại thật lớn được đặt ở vị trí bắt đầu của máy xeo giấy – gọi là thùng đầu; rồi sẽ được phun liên tục lên một giàn lưới chuyển động rất nhanh qua máy xeo. Trên giàn lưới đó, nước sẽ bắt đầu thoát ra khỏi bột, và các xơ sợi tái chế sẽ mau chóng quánh lại, tạo thành một tờ giấy ướt sũng nước. Tờ giấy này sẽ di chuyển thật nhanh qua một loạt những trục ép có bọc bạt (hay còn gọi là chăn/ mền) giúp vắt nước ra được nhiều hơn. Tờ giấy ướt khi nãy – bây giờ trông đã giống tờ giấy bình thường hơn – sẽ được cho qua một loạt những trục lăn bằng kim loại đã được sấy nóng để làm cho khô đi. Nếu muốn tráng phủ gì đó lên giấy thì hỗn hợp tráng phủ sẽ được đưa vào cuối chu trình, hoặc trong một quy trình khác sau khi giấy đã được xeo (được làm) xong. Việc tráng phủ là nhằm mục đích để cho tờ giấy có bề mặt bóng mịn, dễ in.

Sau cùng, tờ giấy thành phẩm sẽ được cuộn vào một trục lăn thật lớn và rời khỏi máy xeo. Trục cuốn này có thể rộng tới 9-10 m và nặng gần 20 tấn! Cuộn giấy thành phẩm có thể được cắt ra thành những cuộn nhỏ hơn hoặc thành nhiều tờ, để chở tới những nhà máy mà ở đó chúng sẽ được in ấn, hoặc được gia công thành các sản phẩm như phong bì, túi giấy hay thùng hộp…

Có phải toàn bộ giấy thu hồi đều tái chế được?

Quá trình tái chế thực sự chỉ sử dụng được nhiều nhất là 80% lượng giấy thu hồi được. Rất nhiều thứ chứa trong các bành giấy thu hồi lại không phải là giấy. Những thứ rác thải như dây nhợ, kim kẹp, đinh ghim và nhựa… đều phải bị loại ra trong khi đánh bột, làm sạch và sàng; và rốt cuộc chúng cũng phải được chở tới các bãi chôn lấp giống như rác thải ra từ các hộ gia đình.

Giấy tái chế thường chứa những xơ sợi vốn dĩ đã trở nên quá nhỏ để được tái chế thành giấy. Thứ giấy tái chế mà chúng ta đang sử dụng có thể có chứa những xơ sợi đã được tái chế một, hai, thậm chí nhiều lần rồi! Xơ sợi nguyên sinh từ gỗ chỉ có thể tái chế được từ 5-7 lần, bởi vì chúng sẽ trở nên quá ngắn và giòn để làm thành tờ giấy mới.

Giấy tái chế còn chứa nhiều thành phần khác không phải là xơ sợi để làm giấy. Quan sát một tờ tạp chí ta sẽ thấy những trang giấy in chứa rất nhiều mực. Và nếu tờ giấy có vẻ sáng bóng thì chắc chắn nó đã được tráng phủ với đất sét hay những vật liệu khác. Trong quyển tạp chí còn có thể chứa những loại keo dính nào đó để ghép các trang vào với nhau. Như vậy trong tờ giấy thu hồi có chứa nào là mực in, chất tráng phủ, và keo dính… cần phải loại bỏ trước khi tái chế.

Loại bỏ mực khỏi giấy như thế nào?

Như đã nêu trên, mực in và keo dính đã được giữ lại trong các bọt tăm tạo thành trong quá trình khử mực tuyển nổi. Một khi những thứ này được thu lại thì đa phần nước cũng được loại ra và được đưa vào tái sử dụng trong nhà máy. Trong những gì còn lại – với khoảng 30-50% nước – vẫn có những xơ sợi rất nhỏ đã bị đẩy ra khỏi bột trong quá trình khử mực.

Thứ vật liệu này có thể đem đốt để tận thu năng lượng, làm compost hay đưa ra bãi rác. Hoặc cũng có thể để dùng làm gạch hay bê tông. Phương pháp được chọn để xử lý chất thải rắn phụ thuộc vào thành phần vật liệu thải. Đối với một xưởng khử mực chẳng hạn, cứ mỗi 100.000 lbs (tương đương 45.000 ký) giấy thu hồi khô được cho vào bồn khuấy bột sẽ cho ra 35.000 lbs (tức khoảng 15.000 ký) hỗn hợp khô gồm xơ sợi nhuyễn nát cùng với keo dính và mực in.

Có thể làm được những gì từ giấy thu hồi?

Đa phần giấy thu hồi được dùng để tái chế thành giấy và giấy bìa. Cũng có một số ngoại lệ trong đó giấy thu hồi được tái chế thành loại giấy tương tự, hoặc với chất lượng thấp hơn, với loại giấy ban đầu. Chẳng hạn như những thùng carton cũ được dùng để sản xuất giấy làm thùng carton mới. Giấy in viết thu hồi có thể tái chế thành giấy mới dùng để photocopy.

Người ta còn dùng giấy thu hồi để làm thành nhiều loại sản phẩm khác nữa. Bột giấy tái chế có thể đem đúc khuôn làm khay đựng trứng hoặc trái cây. Giấy thu hồi có thể dùng làm thùng đựng sơn, nhiên liệu, làm vách tường hay trần nhà, và cả mái nhà. Ở Mỹ hàng năm có khoảng 100.000 tấn giấy đã cắt vụn được dùng lót ổ cho vật nuôi.

Những giấy nào có thể tái chế được?

Hầu như tất cả các loại giấy sử dụng trong gia đình đều có thể tái chế được – từ giấy báo, tạp chí, giấy thùng carton, giấy văn phòng phẩm, cho đến thư từ trao đổi qua bưu điện, những quyển catalogue hoặc thiệp mừng, giấy gói… Điều quan trọng là những loại giấy này phải được để tách biệt với rác hoặc những đồ phế thải khác, hoặc với những loại giấy độc hại không thể đưa đi tái chế được.

Có thể đạt được tỷ lệ tái chế 100% không?

Một số sản phẩm giấy thì không thể thu gom được và/hoặc không tái chế được. Trong số này có thể kể giấy vấn thuốc lá, giấy dán tường, giấy vệ sinh… – chúng chiếm khoảng 15-20% tổng lượng giấy sử dụng. Hơn nữa, sẽ khó đạt tính kinh tế hay thân thiện với môi trường nếu thu hồi và tái chế tất cả mọi thứ mà trên lý thuyết là có thể, do bởi điều này sẽ đòi hỏi phí tổn vận chuyển rất lớn.

Giấy có thể được tái chế đến bao nhiêu lần?

Tùy theo loại mà giấy có thể tái chế được từ 4-6 lần.

Trong sản xuất giấy, có thể chỉ sử dụng duy nhất một loại nguyên liệu là giấy thu hồi không?

Về căn bản thì tất cả các loại giấy đều có thể được sản xuất chỉ với giấy thu hồi. Nhưng do bởi người ta không thể tái chế giấy được mãi nên hệ thống sản xuất vẫn cần đến một lượng nhất định xơ sợi nguyên thủy.

Có thể trộn lẫn xơ sợi nguyên thủy với xơ sợi tái chế không?

Chắc chắn là có, và điều này đã được thực hiện ở nhiều nơi. Rõ ràng là, có những loại giấy có thể được sản xuất với chỉ một loại xơ sợi tái chế hoặc nguyên thủy, nhưng cũng vẫn có thể dùng hai loại nguyên liệu này một lúc.

Những nguồn giấy thu hồi là từ đâu?

Nguồn giấy thu hồi lớn nhất hình thành từ hoạt động sản xuất và kinh doanh (chiếm 52%). Nguồn giấy này cũng bao gồm cả những hao hụt trong gia công sản phẩm giấy (như những mẩu rẻo, vụn thải ra khi gia công) và lượng giấy báo và tạp chí không bán được. 10% khác là từ các văn phòng, số còn lại từ các hộ gia đình.

Giấy đã qua sử dụng được thu gom như thế nào?

Cách thu gom giấy thu hồi tùy thuộc vào nguồn xuất xứ của chúng. Đối với những nguồn thương mại và đại công nghiệp thì lượng giấy đã sử dụng quá lớn nên cần phải có hệ thống, thiết bị thu gom thích hợp. Còn đối với hộ gia đình, giấy đã định đưa đi tái chế cần phải được phân chia ra – tức là phải để tách khỏi những thứ rác thải khác. Ở một số quốc gia, những vật liệu có thể tái chế được như giấy và nhựa thường được thu gom cùng với nhau. Một số nước khác thì cho thu gom giấy báo cũ và tạp chí riêng biệt với khi thu gom giấy thùng, giấy bao bì… Ở nước ta, có thể gọi “đội quân ve chai” là những chiến sĩ tái chế trung kiên nhất khi họ miệt mài ngày nắng cũng như mưa, lặn lội khắp các hang cùng ngõ hẻm để thu mua, đôi khi moi lượm, nhặt nhạnh những thứ có thể tái chế được trong rác thải và đồ phế thải của các hộ gia đình. Từ đây, sách báo và tạp chí cũ, những thùng carton, hộp bánh kẹo, thuốc tây… được chở tới các vựa phế liệu, để tỏa đến các nhà máy tái chế giấy trên toàn quốc. Vì chưa được tổ chức một cách bài bản và chuyên nghiệp nên họ – đội quân ve chai và các vựa thu mua phế liệu – đã vô tình để lại trong chúng ta một hình ảnh nhếch nhác, đôi khi cả cảm giác phiền toái, mà không hề hiểu được sự đóng góp to lớn của họ đối với môi trường và cả nền kinh tế.

Nếu không có nỗ lực của ngành công nghiệp tái chế giấy của thế giới thì một lượng vô cùng lớn các loại giấy mà con người không còn muốn sử dụng – dưới những dạng như các mẩu rẻo cắt ra của các xí nghiệp in, các cơ sở sản xuất sản phẩm dùng giấy…; hoặc số lượng các ấn phẩm dư thừa không tiêu thụ được; hay báo cũ, thùng hộp cũ của các hộ gia đình – sẽ kết thúc vòng đời của
chúng nơi bãi rác. Và những chủ nhân công nghiệp của các loại giấy không còn muốn được sử dụng này sẽ phải tốn tiền để đem chúng đi đổ. Thế là những thứ có giá trị lại vô tình bị con người đối xử như là “rác”, là “đồ phế thải”, và tới một mức độ nào đó chúng có thể góp phần vào các “vấn nạn” trong những bài toán về môi trường mà con người phải đau đầu xử lý!

TÁI CHẾ GIẤY ĐÓ… ĐÂY…

Bức tranh toàn cầu của công nghệ tái chế giấy khá đơn giản: lượng thặng dư giấy thu hồi từ các nước công nghiệp phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ, Nhật, và trong chừng mực nào đó là Úc, được xuất đi cung ứng cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển –trong đó Trung Quốc và khu vực Đông Á là điểm đến chính. Trong số đó, với dòng gia tăng lượng giấy thu hồi nhập khẩu dịch chuyển từ Đông Nam sang Tây Nam Châu Á, Ấn Độ đang kỳ vọng sẽ trở thành cường quốc nhập khẩu giấy thu hồi lớn thứ nhì sau Trung Quốc, mặc dù mức tăng không ấn tượng bằng.

Cũng cần chú ý là, Công ước Basel của Liên Hiệp quốc đã ban hành những đạo luật gắt gao nghiêm cấm việc vận chuyển rác giữa các quốc gia, trong khi Trung Quốc thì cấm nhập khẩu rác. Thế nhưng, hằng năm đất nước này vẫn hoan hỉ đón nhận nhiều triệu tấn giấy thu hồi từ Châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật cùng những nơi khác để cung cấp cho nền sản xuất nội địa.

Những số liệu cụ thể ở một vài nơi trên thế giới được nêu dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn cận cảnh chính xác về ngành công nghiệp tái chế vốn rất hữu ích nên đã hình thành, tồn tại và phát triển một cách tất nhiên như và do chính sự hiện diện của con người trên trái đất này.

1. Ở Châu Âu

Tỷ lệ tái chế giấy ở Châu Âu năm 2000 là 45%, trong năm 2006 họ đã thu hồi tái chế được 58,2 triệu tấn giấy đã qua sử dụng, đạt tỷ lệ tái chế 63,4%; trong đó người dân và công nghệ tái chế ở Đức rất tự hào với con số 70-80% lượng giấy và giấy bìa đã sử dụng được thu hồi và tái chế. Với thực tế tỷ lệ tái chế đạt được trong năm 2007 là 64,5% và đích nhắm là 66% vào năm 2010, Châu Âu được coi là nhà quán quân về tái chế giấy, vượt qua Châu Mỹ và Châu Á. Tổng lượng giấy thu hồi và được chở đến các nhà máy giấy tái chế là 60,1 triệu tấn, tăng 7,6 triệu tấn (tức 14,4%) so với năm 2004 – là năm khởi điểm để tính mức phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu như đã nêu trong Tuyên ngôn Tái chế Giấy của Châu Âu công bố năm 2006.

Trong năm 2005, lượng nguyên liệu có được từ các loại xơ sợi tái chế đã ngang bằng với lượng xơ sợi nguyên thủy; và cho tới năm 2010, một khi tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế đạt tới 66% thì cứ mỗi giây trôi qua sẽ có 2.000 kg giấy được tái chế ở lục địa này.
(Nguồn: Hiệp Hội Giấy Thu Hồi Châu Âu (ERPA); http://www.waste-management-world.com).

Các nước thuộc Liên Minh Công nghiệp Giấy Châu Âu (Confederation of European Paper Industry CEPI, bao gồm 15 nước thành viên EU và thêm Cộng hòa Czech, Hungary, Na Uy, Ba Lan, Slovakia và Thụy Sĩ):

2. Bắc Mỹ

Vùng đất “hợp chủng” đầy năng động ở Bắc Mỹ đã có nhà máy tái chế giấy từ thế kỷ 15 và đã sớm đưa tái chế giấy thành một trong những hoạt động sôi nổi nhất của nền kinh tế. Nếu vào năm 1993, lượng giấy và giấy bìa thu hồi được ở đất nước vốn là cái nôi của công nghệ tái chế giấy này là 36 triệu tấn, với tỷ lệ thu hồi là 38,7%, thì trong năm 2007 họ đã thu hồi được 54,3 triệu tấn, đạt tỷ lệ tái chế 56%. Đây là con số rất ấn tượng vì nếu chia bình quân đầu người thì trong năm mỗi người dân sống trên đất Mỹ đã thu gom được 360 pounds (tương đương 163 kg giấy). Người Mỹ đang kỳ vọng đến năm 2012 sẽ thu hồi được 60% lượng giấy đã sử dụng. Còn Canada chỉ trong 5 năm từ 2002 đến 2007 cũng đã nhanh chóng nâng tỷ lệ tái chế giấy từ 33% lên 58%.

Cho đến nay, lượng giấy thu hồi ở Mỹ đã đáp ứng được hơn 50% nhu cầu nguyên liệu cho trên 200 nhà máy giấy, tức gần 80% tổng số nhà máy trên cả nước. Trong số đó có 95% giấy thu hồi được dùng để làm ra các sản phẩm giấy mới, phần còn lại được đưa vào các ứng dụng khác, như sản xuất vật liệu xây dựng. Nhu cầu tiêu thụ giấy vụn trong nội địa và cả xuất khẩu đều đang tăng mạnh – chủ yếu xuất sang Trung Quốc và một số nước Châu Á – nên công nghiệp thu gom giấy ở xứ này vẫn đang tăng tốc, dù trong mấy tháng giữa năm 2008 có lúc cũng chựng lại do giá vận chuyển tăng cao theo giá nhiên liệu và do các yếu tố khủng hoảng tiền tệ và suy thoái kinh tế. (Nguồn: http://www.paperrecycles.org)

3. Nhật Bản

Người Nhật từ lâu đã biết tới hoạt động tái chế giấy qua các tiếng rao: “Ai… báo cũ đổi lấy giấy vệ sinh… đ…â…y!” khắp các hang cùng ngõ hẻm. Cho tới đầu thập niên 70, những người hành nghề đổi giấy vệ sinh lấy giấy báo cũ về cung cấp cho các hãng xeo giấy hoạt động vẫn rất rôm rả, nhộn nhịp. Rồi khi nền kinh tế Nhật thăng hoa, trở thành điểm đến hấp dẫn với các nguồn đầu tư nước ngoài thì bột giấy lại trở nên rẻ bèo do nguồn nhập khẩu ổn định, trong khi giá nhân công tăng cao khiến việc thuê người đi rao đổi giấy không còn kinh tế nữa. Trong các hộ gia đình, báo cũ chất chồng, phủ đầy bụi… Hoạt động mua bán giấy báo cũ và tái chế do đó tàn lụi dần, và chỉ như hồi sinh trở lại vào thập niên 90 – khi bắt đầu dấy lên các mối quan tâm về môi trường. Năm 1995, nền công nghệ tiên tiến của đất nước mặt trời mọc này đã đề ra chỉ tiêu đạt tỷ lệ tái chế 56% vào năm 2000 nhưng thực tế họ đã đạt được con số chỉ tiêu này sớm hơn một năm.

Mỗi ngày, người dân xứ Phù Tang cần vứt đi 54 triệu tờ báo – trên 93% trong số này được đưa trở lại cho đại lý phát chuyển báo tới hộ dân theo một mạng lưới thống nhất. Giờ đây một phần lớn trong số lượng khổng lồ các tờ báo cũ đã lại trở nên có giá: các công ty làm báo bị buộc phải tổ chức thu hồi lại báo cũ. Những Hiệp hội Công dân và các Hiệp hội Nhà Giáo và Phụ huynh Học sinh đang thành lập những kênh thu gom báo cũ riêng của họ và dịch vụ đổi báo cũ lấy giấy vệ sinh đang phát triển cho thấy dấu hiệu tích cực của tái chế hồi sinh.

4. Trung Quốc

Từ năm 1999-2007, lượng giấy phế liệu được nhập về Trung Quốc tăng gần gấp bảy lần – từ 3,1 triệu tấn năm 1996 lên đến gần 20 triệu tấn trong năm 2007. Lượng giấy thu hồi nhập khẩu này đã cùng với lượng thu hồi nội địa tăng đều hàng năm nhanh chóng trở thành lực lượng chủ đạo trong sự phát triển của công nghiệp giấy và bột giấy nước này khi chúng cung cấp tới gần 70% nhu cầu xơ sợi. Năm 2007 ngành công nghiệp tái chế giấy đứng đầu Châu Á này đã thu hồi được 27,7 triệu tấn; tăng 22,3% so với năm 2006; đạt tỷ lệ thu hồi 55%. Năm 2008 họ dự trù nhập khẩu 24 triệu tấn giấy thải và thu hồi 22 triệu tấn giấy nội địa để làm ngồn cung xơ sợi thứ cấp sử dụng chủ yếu sản xuất thùng carton cung cấp cho công nghiệp điện tử, may mặc, thực phẩm, đồ gia dụng… xuất khẩu.

Tập đoàn Cửu Long (Nine Dragons Holdings Ltd) chuyên sản xuất giấy bìa carton làm bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi, với vị nữ chủ nhân – người sáng lập kiêm chủ tịch Hội đồng Quản trị bà Cheung Yan đã được tạp chí Forbes xếp hạng 11 trong số 400 người giàu nhất Trung Quốc năm 2007. Vị “tỷ phú ve chai” đã sớm nhận thấy ích lợi to lớn nhiều mặt của tái chế giấy ngay từ những ngày còn hàn vi, chuyên sinh sống bằng nghề ve chai, đồng nát. Thời cơ và bản lĩnh đã cho phép bà làm nên những bước phát triển ngoạn mục cho Nine Dragons, đến năm 2007 đã được xếp hạng thứ 82 trong số top 100 nhà sản xuất giấy thế giới. Nếu nền kinh tế thế giới trong đó có phần lục địa đông dân này mau chóng phục hồi sau cơn bão tài chính đầu thu 2008 vừa qua, tập đoàn này sẽ có cơ hội thực hiện kế hoạch nâng tổng sản lượng giấy bìa làm bao bì lên 10 triệu tấn/năm vào năm 2010, để trở thành nhà sản xuất giấy bìa lớn nhất thế giới. (Nguồn: chinapaperonline; http://www.forest-trends.org).

5. Thái Lan

6. Việt Nam

Ở Việt Nam, lượng giấy thu hồi được còn khá khiêm tốn, chỉ đạt 545.000 tấn năm 2006 và 695.000 tấn trong năm 2007, tỷ lệ tái chế chỉ trên dưới 30%. Điều này một phần là do chúng ta chưa có được chủ trương chính sách khuyến khích của nhà nước thông qua các chương trình thu gom rác tại nguồn và/hoặc các quy định thích hợp đối với hoạt động thu mua phế liệu nói chung và giấy nói riêng; phần khác là do chưa được các doanh nghiệp tổ chức bài bản. Tuy nhiên, lượng giấy thu hồi nhập khẩu năm 2007 đã tăng gấp đôi so với 2006; cùng làn sóng đầu tư sản xuất tái chế giấy từ cả các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước đã cung cấp bằng
chứng rõ nét về một hoạt động kinh tế có hướng phát triển tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. (Nguồn: VPPA, RISI)

GIẤY PHẾ THẢI, GIẤY THU HỒI KHÔNG PHẢI LÀ RÁC
CÔNG NGHIỆP TÁI CHẾ LÀ CÔNG NGHIỆP THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Một thách thức lớn đối với Công nghiệp Tái chế là quản lý chất lượng của giấy thải, giấy thu hồi. Chất lượng này càng được tăng cao thì hiệu quả sử dụng chúng càng lớn, do đó nâng cao tính phát triển bền vững và tính cạnh tranh cho ngành. Ở các nước phát triển, đi kèm với nhận thức của chính quyền các cấp và cộng đồng đối với ích lợi nhiều mặt của tái chế là các quy định pháp lý rõ ràng, chặt chẽ mà không gây khó khăn cho hoạt động tái chế và sự tham gia của đông đảo dân chúng, các tổ chức… vào các chương trình phân loại rác tại nguồn.

Nhiều bộ tiêu chuẩn đã được đặt ra, giúp cho hoạt động thu mua, trao đổi mua bán và sản xuất phế liệu nói chung và giấy thu hồi nói riêng luôn có được cơ sở pháp lý vững chắc. Qua đó chính quyền vẫn có thể khuyến khích công nghệ tái chế phát triển, mà vẫn bảo đảm quản lý sát sao loại vật liệu “rất gần với rác thải” này. Trong bộ tiêu chuẩn giấy thu hồi ở các nước, mỗi loại giấy được cho mã riêng, kèm theo là mô tả chi tiết về loại giấy đó với hàm lượng % cụ thể của những tạp chất “không phù hợp” và tạp chất bị “cấm tuyệt đối”, cùng các điều kiện giao dịch cho cả hai bên mua bán.

Ở Châu Âu, trong các hạng mục tiêu chuẩn thì giấy tái chế được cho là một nguồn nguyên liệu thứ cấp quan trọng, chứ không phải là rác. Nền công nghệ tái chế châu lục này đã nhấn mạnh ý phản đối không chấp nhận từ “giấy rác” hay “giấy thải”. Và ngành công nghiệp tái chế Châu Âu còn đặt ra tham vọng quản lý thật chuyên nghiệp đối với các nguồn giấy thu hồi để góp phần đáng kể vào tính cạnh tranh và phát triển bền vững của chuỗi giá trị của vật liệu giấy. Tuyên cáo Châu Âu về Tái chế Giấy được công bố năm 2006 nhằm tập trung vào các chương trình hành động phối hợp giữa nhiều ban ngành liên quan và có tính tới việc ưu tiên cho:

  • Hạn chế rác thải: Trong năm 2007 dựa trên sự công khai ủng hộ của các thành viên ERPA, Bộ Hướng dẫn về Rác thải của EU đã giới thiệu hướng dẫn cách thu gom riêng biệt các loại rác và đến năm 2015 sẽ trở thành pháp lệnh đối với tất cả các quốc gia thành viên.
  • Nâng cao chất lượng giấy thu hồi để có thể tái chế được: một hệ thống theo dõi đường đi của giấy thu hồi trong chuỗi giá trị sẽ được thiết lập – có tên là Hệ thống Truy căn Giấy Thu hồi (Recovered Paper Identification System). Mục tiêu của hệ thống là nhằm theo dõi được nguồn gốc của giấy thu hồi, qua đó bảo đảm an toàn cho các sản phẩm giấy tái chế. Đây là một động thái quan trọng để cải tiến chất lượng giấy thu hồi cũng như giúp đưa nguyên liệu thô có chất lượng có thể kiểm soát được đến với các nhà máy tái chế; giúp họ có được sản phẩm giấy chất lượng cao. Hệ thống này khác hẳn hợp đồng ký kết giữa đôi bên nhà cung cấp với nhà tái chế – thường rất khác biệt nhau giữa các công ty và các quốc gia. Hệ thống sẽ sử dụng một bộ mã đồng nhất trên toàn Châu Âu, qua đó nguồn gốc cũng như chất lượng từng bành giấy thu hồi đều được thể hiện rõ. Đây là một đóng góp của các nhà thu hồi và tái chế giấy cho cuộc chiến chống lại cách làm ăn gian dối của một số hãng tàu đã lợi dụng uy tín của hoạt động tái chế để vận chuyển trái phép phế liệu cấm. Nhờ có Hệ thống Truy căn Giấy Thu hồi, các nhà cầm quyền địa phương có thể phân biệt được những chuyến hàng giấy thu hồi hợp pháp với những chuyến hàng phi pháp, vận chuyển rác thải hoặc phế liệu nguy hại.

Chương trình được đề xuất tiến hành triển khai cho toàn EU, với yêu cầu mỗi thành viên trong chuỗi thu hồi tái chế giấy phải có được thông tin từ nhà cung cấp về bành giấy – từ lúc bắt đầu được thu gom, đóng bành, cho tới lúc đến dây chuyền để được tái chế thành bột làm giấy.

MỘT SỐ THUẬT NGỮ

  • Băng dính, băng keo (stickies): là các loại băng keo có trong giấy thu hồi do quá trình lưu hành sử dụng của chúng, là “đối thủ đáng sợ số một” của công nghệ tái chế giấy do tính chất khó khăn trong quá trình xử lý để sản xuất giấy từ giấy thu hồi.
  • Bột giấy (pulp): là nguyên liệu để sản xuất giấy có được do quá trình xử lý cơ học và/hoặc hóa học các xơ sợi cellulose từ nguyên liệu gỗ hay tre nứa hoặc từ giấy thu hồi. Bột bán hóa (semi-chemical pulp): là bột giấy được sản xuất bằng cách xử lý hóa chất sau khi đã xử lý cơ học.
  • Cellulose: là một hợp chất cao phân tử, dạng sợi, là thành phần cấu tạo chủ yếu cho các vách tế bào thực vật. Công nghệ tái chế giấy (paper recycling industry): là công nghệ sản xuất giấy và giấy bìa carton từ vật liệu là các loại giấy thu hồi; là xu hướng tích cực giúp giảm thiểu khai thác rừng cũng như giảm lượng tiêu thụ năng lượng hóa thạch, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường…
  • Công nghệ tái chế giấy (paper recycling industry): là công nghệ sản xuất giấy và giấy bìa carton từ vật liệu là các loại giấy thu hồi; là xu hướng tích cực giúp giảm thiểu khai thác rừng cũng như giảm lượng tiêu thụ năng lượng hóa thạch, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường…
  • Định lượng (Grammage, basis weight): là trọng lượng tính bằng gram của một tờ giấy hay bìa có diện tích 1m2.
  • Độ chịu bục (bursting strength): là khả năng chịu đựng của giấy khi bị tác động một lực thủy tĩnh tăng dần vào một điểm bất kỳ trên một mặt của tờ giấy cho tới khi nó rách bục ra.
  • Độ ẩm (moisture content): là lượng hơi ẩm hay nước có trong một tờ giấy, được tính bằng phần trăm. Thường giấy có độ ẩm 7-8% (±2%) là đạt yêu cầu.
  • Giấy carton sóng lớp giữa (corrugated paperboard): giấy bìa sau khi đã được ép dợn sóng, để làm các lớp giữa cho các thùng carton đựng hàng. Bên ngoài là một hoặc hai lớp giấy carton lớp mặt.
  • Giấy carton lớp mặt (testliner): sản phẩm chính của công nghệ tái chế giấy làm bao bì, phủ bên ngoài lớp giấy carton sóng lớp giữa, vừa để tăng độ thẩm mỹ và hỗ trợ in ấn quảng cáo, vừa tăng độ chịu lực cho thùng bao bì.
  • Giấy chạy sóng (corrugating paperboard): sản phẩm giấy từ công nghệ tái chế, sử dụng nguyên liệu là giấy thu hồi, giấy thải các loại để làm ra loại giấy bìa cung cấp cho các nhà máy sản xuất bao bì. Tại đây giấy bìa sẽ được đem ép sóng thành giấy carton sóng lớp giữa (corrugated paperboard), để làm tăng khả năng chịu lực cho thùng bao bì, bảo vệ sản phẩm chứa bên trong.
  • Giấy thu hồi (recovered paper): là cụm từ được dùng để chỉ các loại giấy thải (waste paper) được thu hồi từ dòng rác thải. Tuy từ “giấy thải” vẫn còn được dùng phổ biến, nhưng công nghệ tái chế vẫn luôn muốn nhấn mạnh rằng đây là nguồn nguyên liệu thứ cấp – secondary materials (để phân biệt với nguồn nguyên liệu nguyên thủy – virgin materials, từ các loại xơ sợi gốc thực vật…) chứ không phải là rác thải.
  • Hỗn hợp chế tạo giấy (stock): là bột giấy (pulp) sau khi đã được xử lý bằng các phương pháp cơ học (đánh tơi, nghiền mịn) và/hoặc hóa học (gia keo, gia hồ, nhuộm màu…), sẵn sàng cho công đoạn sản xuất giấy thành phẩm.
  • Nguyên liệu nguyên thủy; xơ sợi nguyên thủy (virgin materials, virgin fibres): là nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật – có sẵn trong thiên nhiên hay do con người trồng nên. Có ba nguồn nguyên liệu nguyên thủy: từ các cây thân mộc (bao gồm họ lá kim và họ lá bản), từ các loại tre nứa, cây luồng, và từ nhóm cây thân thảo.
  • Nguyên liệu thứ cấp; xơ sợi thứ cấp (secondary materials, secondary fibres): là loại nguyên liệu hay xơ sợi có được do xử lý các loại giấy vụn, giấy thải (gọi chung là giấy thu hồi) để sản xuất giấy, giấy bìa các loại.
  • Tỉ lệ thu hồi/ thu gom (recovery rate, collection rate): là một thông số chỉ mức độ thu hồi và bằng với phần trăm giấy tiêu thụ biểu kiến thu thập được dưới dạng giấy thải so với tổng lượng tiêu thụ. Như vậy, một đất nước tiêu thụ 5 triệu tấn giấy trong một năm, và thu gom lại được 2 triệu tấn giấy thải sẽ có tỉ lệ thu hồi của năm đó là 40% (2/5). Tỉ lệ sử dụng (utilization rate) – tỷ lệ sử dụng giấy thu hồi: là phần trăm giấy thải được tiêu thụ trong tổng sản phẩm giấy của một quốc gia.
  • Tỷ lệ tái chế (recycling rate): tỷ lệ giấy thu hồi được sử dụng so với tổng lượng giấy mà một quốc gia tiêu thụ hàng năm.
  • Xơ sợi (fibre): là cấu trúc cellulose dạng sợi mảnh, là thành phần cấu tạo chính của thực vật, giúp tăng độ bền chặt. Đối với công nghệ sản xuất giấy, một khi được phân tách và xử lý thích hợp, xơ sợi là thành phần chính trong bột giấy (pulp) hay hỗn hợp chế tạo giấy (stock) sẽ giúp định hình tờ giấy…

Các loại giấy thu hồi

  • OCC (Old Corrugated Container): giấy thùng carton cũ. Công nghệ tái chế giấy ở Châu Á phân biệt các loại OCC theo xuất xứ: AOCC (American OCC), EOCC (European OCC)…
  • MIXED: giấy thu hồi hỗn hợp, bao gồm giấy báo, giấy vụn đủ loại…
  • BBC (Box Board Cutting): giấy rìa, giấy rẻo… thu được từ quá trình sản xuất hộp giấy (không có carton lớp sóng).

Liên hệ chúng tôi Ngay !
Kính chào quý khách hàng !
Hãy gọi cho chúng tôi ngay!