Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/06/2014

Ngày 23/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 (Luật bảo vệ môi trường năm 2014). Chủ tịch nước ký Lệnh số 09/2014/L-CTN ngày 26/6/2014 công bố Luật bảo vệ môi trường. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (Luật BVMT năm 2005) đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006. Việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã đóng góp hết sức quan trọng vào những thành công trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua. Tuy nhiên, sau thời gian áp dụng Luật BVMT năm 2005 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể như sau:

– Một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế; còn những chồng chéo và khoảng trống trong các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đã nảy sinh sự trùng lặp, mâu thuẫn, thiếu tính đồng bộ trong các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với pháp luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường. Những nguyên nhân nêu trên đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

– Cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chậm đổi mới, chưa đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các loại thuế, phí về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường”, “người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải trả tiền” mới chỉ bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách mà chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng tăng trưởng xanh. Chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường.

– Phân công, phân cấp thẩm quyền trong quản lý môi trường còn phân tán, chồng chéo và chưa hợp lý, chưa đi đôi với tăng cường năng lực, phân định rõ trách nhiệm. Việc giao cho nhiều Bộ, ngành cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường trong khi chưa xác định được nguyên tắc tổ chức bộ máy thống nhất để giải quyết các vấn đề có tính liên vùng, liên ngành dẫn đến sự phối hợp không nhất quán, nảy sinh nhiều cơ quan đầu mối trong cùng một nhiệm vụ quản lý, do đó làm giảm vai trò của cơ quan đầu mối thống nhất giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường.

– Các quy định của pháp luật mới chỉ chú trọng trách nhiệm từ phía Nhà nước, thiếu cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội, từng doanh nghiệp và người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.

– Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa giải quyết hiệu quả các vấn đề liên ngành, liên vùng, xuyên quốc gia. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa theo kịp được các yêu cầu mới đặt ra, nhất là ở địa phương, cơ sở.

– Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn biến phức tạp trong khi công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh những tồn tại, bất cập nêu trên trong quá trình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường đòi hỏi cần sớm được khắc phục, còn nhiều vấn đề mới nảy sinh như tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá. Đồng thời, để nghiêm túc thực hiện một số quan điểm, chủ trương, chính sách mới, quan trọng của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường mới được ban hành, thể hiện tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đòi hỏi pháp luật bảo vệ môi trường phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung.

Chính vì vậy, việc ban hành Luật bảo vệ và môi trường năm 2014 là rất cần thiết.

 

Tải văn bản TẠI ĐÂY

Liên hệ chúng tôi Ngay !
Kính chào quý khách hàng !
Hãy gọi cho chúng tôi ngay!