Toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đang đến hồi kết

Tiến trình đảo ngược toàn cầu hóa sẽ nhanh chóng hơn sau cú sốc đại dịch, dự báo Trung Quốc sẽ rời bỏ vị trí tiên phong trong chuỗi sản xuất đồng thời kéo theo hàng loạt sự dịch chuyển của chuỗi cung toàn cầu.

Nhiều chính trị gia và nhà đầu tư đều đang lo ngại về nguy cơ đợt dịch thứ hai bùng phát tại Trung Quốc. Một khi điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ gặp rắc rối lớn với các đối tác thương mại phương Tây – những mối quan hệ có vai trò mật thiết với hệ thống thương mại và tài chính của quốc gia này. Dù đợt dịch thứ hai có trầm trọng hay không, một điều sẽ không thay đổi: Trung Quốc đang rời bỏ vị trí tiên phong trong sản xuất toàn cầu.

“Những công ty sản xuất xe hơi tôi biết tại Trung Quốc đều đang nghĩ tới việc tái cơ cấu lại chuỗi cung. Giờ đây họ đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và muốn né tránh rủi ro. Để như vậy, họ cần đi chỗ khác,” John Scannapieco – luật sư thương mại của công ty luật Baker Donelson cho biết.

Toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đang đến hồi kết - ảnh 1

Trung Quốc sở hữu 7 trong số 10 cảng biển lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty Images.

Trong nhiều năm, Trung Quốc giữ vai trò là công xưởng của thế giới. Vai trò này buộc họ phải xây nhiều cầu đường, đường ray xe lửa và sân bay. Điều này đồng nghĩa các quặng sắt tại Brazil và Úc và quặng đồng tại Chile được tăng cường khai thác.

Lao động Trung Quốc cũng rời vùng quê và tiến lên thành phố làm việc, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu thực phẩm của quốc gia tỉ dân. Trung Quốc đã xây hàng loạt cảng để nhập hàng: hiện quốc gia này sở hữu 7 trong số 10 cảng biển lớn nhất thế giới.

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã nới rộng cánh tay ra thế giới với lực lượng lao động rẻ, dồi dào và luật định mờ nhạt, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp độc hại. Vậy nên các doanh nghiệp không cần bó mình vào các cam kết bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên câu chuyện đã đổi khác. Trung Quốc ngày nay đang tiến gần tới các tiêu chuẩn lao động và môi trường của Tổ chức Thương mại Thế giới. Sản xuất ở Trung Quốc giờ đây “xanh” và đắt đỏ hơn. Đó là lý do các nhà máy Trung Quốc nay chuyển sang Việt Nam, Bangladesh, đặc biệt là các nhà máy dệt may. Tuy vậy các quốc gia này vẫn không thể cung cấp nguồn lao động và khả năng logistics như Trung Quốc.

Khi công cuộc toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu thay đổi, vài quốc gia sẽ trở thành người chiến thắng, và cũng sẽ có kẻ bị bỏ lại phía sau.

Ngân hàng BNP Paribas gần đây đã đo lường chỉ số phục hồi nhờ khả năng đảo ngược toàn cầu hóa. Chỉ số này ước tính ba yếu tố sau của mỗi nước: tình hình vĩ mô trong dịch, mối liên hệ hiện tại với thế giới và sức mạnh của các thể chế nội địa.

Toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đang đến hồi kết - ảnh 2

BNP Paribas tin rằng các nền kinh tế kín, bao gồm Trung Quốc, sẽ vẫn ổn định trong mùa dịch. Ảnh: Getty Images.

Theo BNP, Hàn Quốc và Israel vẫn đang ở tình trạng tốt, trong khi Argentina và Ai Cập thì không. Trung Quốc hiện đang tập trung vào trong nước và sở hữu thị trường đủ lớn để chống bão. Nhưng các nền kinh tế lớn khác như Brazil hay Nga lại không được như vậy. Các nền kinh tế nhỏ phụ thuộc vào xuất khẩu như Chile càng có khả năng gặp khó.

“Không có gì mang tính vận mệnh ở đây cả,” Marcelo Carvalho, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi của BNP Paribas nhận định, “Sau cùng, mỗi quốc gia sẽ phải giải quyết vấn đề nào quan trọng nhất với họ.”

Báo cáo của BNP cũng cho thấy xu hướng mới “tạm biệt toàn cầu hóa, xin chào nội địa hóa”. Ví dụ gần nhất là việc Mỹ dùng đại dịch là cái cớ để đưa các doanh nghiệp dược quay về nước sản xuất các loại thuốc mang tính chiến lược. Sự kiện này sẽ sinh ra thêm nhiều nhà máy, việc làm cho người Mỹ, thay vì Trung Quốc.

Điều này càng có lợi cho những nền kinh tế đa dạng, có thể chế vững mạnh, nhiều lao động và mạng lưới đối tác thương mại rộng lớn. Nhưng những nước như Argentina hay Ukraine có thể sẽ bị bỏ lại phía sau.

Kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, dòng chảy thương mại vốn đã tắc nghẽn ở nhiều nơi. Với sự xuất hiện của Covid-19 khiến chuỗi cung toàn cầu đứt gãy và phong tỏa hàng loạt, Carvalho của BNP cho rằng miếng bánh thương mại toàn cầu sẽ dần nhỏ lại.

Thương mại phát triển vốn hay đi kèm với tăng trưởng GDP nhanh chóng. Trong giai đoạn toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu, một vài quốc gia như Hàn Quốc, Philippines hay Thái Lan vẫn giữ được tình trạng tài khóa tốt, với thặng dư kinh tế, chi phí thấp và thuế suất ổn định trong những năm gần đây.

Peru, Chile và Nga đang chịu thâm hụt tài khóa, nhưng mức nợ vẫn thấp và kiểm soát được dòng thuế. Nga còn hưởng được dòng tiền từ các doanh nghiệp nhà nước nhờ sở hữu nguồn cung dầu khí.

Toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đang đến hồi kết - ảnh 3

Các quốc gia gắn bó với chuỗi cung toàn cầu sẽ chịu thiệt khi tiến trình đảo ngược toàn cầu hóa xảy ra, nhưng ảnh hưởng này sẽ không dễ đo đếm. Ảnh: Getty Images.

BNP Paribas tin rằng các nền kinh tế kín, bao gồm Trung Quốc, sẽ vẫn ổn định. “Những nền kinh tế đóng kín với thị trường nội địa lớn sẽ phục hồi mà không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ thương mại suy giảm,” Carvalho nhận định.

Các quốc gia gắn bó với chuỗi cung toàn cầu sẽ chịu thiệt khi tiến trình đảo ngược toàn cầu hóa xảy ra, nhưng ảnh hưởng này sẽ không dễ đo đếm. Với một vài quốc gia, đây sẽ là dịp để hưởng lợi khi các tập đoàn đa dạng hóa mạng lưới cung ứng sang những quốc gia mới nổi khác. Các đối tác của Trung Quốc cũng sẽ có thêm cơ hội khi Trung Quốc chuyển đối tác làm ăn, chẳng hạn như rời xa Mỹ, Úc và bắt tay với châu Âu.

Dù thổi chiều nào thì ngọn gió này sẽ không còn như trước đây. Phương Đông đang nổi lên. Nhưng con đường một chiều của Trung Quốc vẫn sẽ gập ghềnh khi Mỹ và các đồng minh châu Âu phản đối kịch liệt một nền tư bản kiểu Trung Quốc lấy nhà nước làm trung tâm.

“Sau khủng hoảng, chúng ta sẽ không thể trở về hiện trạng như trước,” Jamie Matzl, thành viên cấp cao của tổ chức nghiên cứu chính sách Hội đồng Đại Tây Dương nhận định. Mỹ và Trung Quốc kết nối với nhau vì đều đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới và sẽ tiếp tục mối quan hệ thương mại trọng yếu trong một thời gian dài. “Nhưng bản chất của mối quan hệ này sẽ đổi khác và không trở lại như trước. Còn quá sớm để nói trước chuyện gì sẽ tiếp diễn,” ông nhận định.

 

Theo KENNETH RAPOZA22/05/2020

trích nguồn forbesvietnam

https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/toan-cau-hoa-do-trung-quoc-dan-dau-dang-den-hoi-ket-10913.html

Liên hệ chúng tôi Ngay !
Kính chào quý khách hàng !
Hãy gọi cho chúng tôi ngay!